Sau hơn 1 năm thí điểm xây dựng “Thôn nông thôn mới kiểu mẫu”

Đăng lúc: 10:22:34 14/11/2018 (GMT+7)

(THO) - Qua quá trình triển khai thực hiện cho thấy, việc thực hiện xây dựng thí điểm mô hình “Thôn nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu” là phù hợp với định hướng của Trung ương và xu thế, yêu cầu của thực tiễn. Chỉ sau hơn một năm triển khai thực hiện, song dáng dấp mô hình “Thôn NTM kiểu mẫu” đã dần hình thành.

nnm.jpg
 
Phong trào cải tạo vườn tạp để trồng cây hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao tại thôn Xuân Lập, xã Ngọc Phụng (Thường Xuân). Ảnh: Lê Đồng

Xác định xây dựng nông thôn mới (XDNTM) là hành trình có điểm đầu mà không có điểm kết thúc, từ giữa năm 2017, Thanh Hóa tiếp tục thí điểm xây dựng mô hình “Thôn NTM kiểu mẫu”. 3 thôn của tỉnh được lựa chọn làm điểm gồm: Thôn Bái Sơn, xã Hà Tiến (Hà Trung), thôn Xuân Lập, xã Ngọc Phụng (Thường Xuân) và thôn 3, xã Xuân Giang (Thọ Xuân). Quá trình triển khai chưa dài, song đã thu hái được những kết quả và kinh nghiệm thực tiễn bước đầu làm cơ sở để triển khai ra diện rộng.

Sự khác biệt của xây dựng “Thôn NTM kiểu mẫu” với quá trình XDNTM chung hiện nay là người dân gần như chủ động vào cuộc trong mọi công việc. Chính quyền chỉ vận động, định hướng và hỗ trợ một phần nhỏ mang tính chất như “chất xúc tác”. Theo đó, ngay từ những ngày đầu triển khai, ban chỉ đạo XDNTM các huyện Thọ Xuân, Thường Xuân và Hà Trung đã hướng dẫn đến các thôn trực tiếp triển khai các nội dung, phần việc. Huyện Thường Xuân hỗ trợ thôn Xuân Lập 300 triệu đồng cho xây dựng kiên cố hệ thống rãnh tiêu thoát nước trong thôn. Huyện Thọ Xuân chỉ hỗ trợ thôn 3, xã Xuân Giang 205 triệu đồng làm nhà lưới trồng rau an toàn, mua giống hoa, giống cây làm đẹp cảnh quan môi trường. Huyện Hà Trung hỗ trợ thôn Bái Sơn 600 triệu đồng để nâng cấp đình làng, sửa chữa đường giao thông... Từ sự hỗ trợ và định hướng, ban phát triển ở 3 thôn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân chỉnh trang khu dân cư, trồng cây làm hàng rào xanh, cải tạo vườn tạp, di dời các công trình mất vệ sinh đến nơi hợp lý, xây dựng phong trào làm vệ sinh môi trường nông thôn... Mấu chốt của vấn đề là thực hiện tốt quy chế dân chủ để huy động sự tự nguyện đóng góp công sức, tiền của để xây dựng hạ tầng, xây dựng các mô hình sản xuất và nhiều nội dung công việc theo Đề án “Thôn NTM kiểu mẫu” đề ra. Con em xa quê của các thôn cũng tích cực hỗ trợ mỗi thôn hàng chục triệu đồng về xây dựng cổng làng, cơ sở vật chất cho quê nhà.

Qua quá trình triển khai thực hiện cho thấy, việc thực hiện xây dựng thí điểm mô hình “Thôn NTM kiểu mẫu” là phù hợp với định hướng của Trung ương và xu thế, yêu cầu của thực tiễn. Chỉ sau hơn một năm triển khai thực hiện, song dáng dấp mô hình “Thôn NTM kiểu mẫu” đã dần hình thành. Thông qua việc xây dựng mô hình, đã tạo ra diện mạo mới khá rõ nét trong khu dân cư và phát triển kinh tế vườn hộ. Qua việc thực hiện, tư duy nhận thức của người dân tại 3 thôn thí điểm về phát triển kinh tế, sản xuất hàng hóa, phát huy tiềm năng lợi thế đất vườn đã có những chuyển biến mạnh mẽ. Nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi mới được triển khai, nhờ đó, thu nhập và đời sống nhân dân đã có bước tăng trưởng khá hơn. Thôn Xuân Lập và thôn 3, xã Xuân Giang đã xây dựng được mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới, thôn Bái Sơn đã phát triển được mô hình trồng cây dược liệu. Bên cạnh đó, người dân 3 thôn đã chủ động đưa nhiều cây trồng hàng hóa và ứng dụng tiến bộ khoa học vào trồng trọt, chăn nuôi. Chỉ hơn 1 năm so với thời điểm triển khai thí điểm mô hình “Thôn NTM kiểu mẫu”, thu nhập bình quân đầu người của các thôn đều tăng (đều đạt trên dưới 40 triệu đồng/năm) và không còn hộ nghèo.

Tuy khoảng thời gian triển khai thí điểm chương trình này chưa nhiều, nhưng những thay đổi tích cực đã hiện hữu. Giá trị văn hóa truyền thống của mỗi làng quê được giữ gìn và phát triển theo hướng văn minh, hiện đại. Điển hình là nét đẹp đặc trưng của làng quê nông thôn Việt Nam với “cây đa, bến nước, sân đình, hội làng” được gìn giữ ở thôn Bái Sơn, xã Hà Tiến. Tình làng, nghĩa xóm trong cộng đồng ngày càng được coi trọng, sự tương trợ giúp đỡ lẫn nhau và tinh thần đoàn kết tại các thôn này ngày càng khăng khít. Qua khảo sát thực tế, môi trường sinh thái nông thôn ở 3 vùng quê kiểu mẫu này có nhiều đổi thay rõ nét, ý thức người dân về việc gìn giữ, bảo vệ môi trường được nâng cao, tạo nên cảnh quan sáng - xanh – sạch đẹp ở các làng quê này.

Dạo bộ cùng các cán bộ Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh tại thôn Xuân Lập, xã Ngọc Phụng, chúng tôi cảm nhận được tính chất “kiểu mẫu” qua từng ngôi nhà, khu vườn, ngõ xóm. Với một thôn miền núi thuần nông, nhưng đường giao thông trong thôn được kiên cố hóa, chiều rộng có thể cho 2 xe tải tránh nhau dễ dàng, có cả rãnh thoát nước chạy dọc đường thôn. Ven đường thôn cũng như trong các ngõ nhỏ, các loại hoa đua nhau khoe sắc bởi phong trào trồng cây cảnh của chị em phụ nữ địa phương. Những khu vườn rậm rạp trước kia, nay được phát quang, cày xới để trồng ngô, trồng lạc, thanh long, các loại rau màu hàng hóa. Những giàn cây dây leo như: Bầu, mướp, đậu xương rồng... phủ màu xanh và che tán mát lên các lối đi. Bất ngờ hơn, cổng ngõ của mỗi gia đình ở thôn miền núi này còn được gắn biển đánh số nhà, những ngôi nhà chủ yếu là cấp 4 không quá quy mô, song đều kiên cố, đẹp mắt, tọa lạc giữa cảnh quan xanh, sạch. Bà Lê Thị Bảy, người dân thôn Xuân Lập, tâm sự: Được tỉnh thí điểm xây dựng “Thôn NTM kiểu mẫu” là may mắn cho người dân chúng tôi. Được tuyên truyền, vận động, nhân dân đã hiểu ra, mọi công việc là vì nhân dân nên ai cũng có trách nhiệm đóng góp nhân lực, kinh phí triển khai các phần việc liên quan chứ không bị động trông chờ hỗ trợ. Cũng sinh sống trên mảnh đất cha ông nhiều đời, nhưng nay, chúng tôi thực sự cảm nhận đang sống cuộc sống mới trên quê cũ.

Thành công từ 3 mô hình thí điểm nói trên – cũng là “đặc sản” của Thanh Hóa trong XDNTM đã mở ra hy vọng xây dựng các tiêu chí NTM theo chiều sâu, là cơ sở để tỉnh triển khai ra diện rộng.
Lê Đồng
Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
384331